1. Giới thiệu chung

Ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử của Trường Đại học Vinh là ngành đào tạo ở khoa Vật lý và Công nghệ với 55 năm truyền thống. Sinh viên Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử của Nhà trường sau khi tốt nghiệp sẽ được tiếp nhận công tác tại các công ty, xí nghiệp, đảm nhận vai trò giám sát kỹ thuật cho các dự án lắp đặt thiết bị điện, điện tử, các cơ sở nghiên cứu và phát triển dự án ngành điện.

Với truyền thống “Liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo” của tập thể cán bộ qua các thời kỳ, năm 2014 khoa Vật lý và Công nghệ đã được Nhà trường cho phép thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận quốc tế CDIO cho ngành sư phạm Vật lý, ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử sẽ được áp dụng phương thức đào tạo này từ khóa 58 (năm học 2017-2018). Đây là chương trình đào tạo được xây dựng trên tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam và Nghị quyết NQ666/ĐU của Đảng ủy Trường về đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội.

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử được biên soạn theo hướng phát triển năng lực người học, đáp ứng các chuẩn nghề nghiệp. Đào tạo kỹ sư trình độ đại học ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử có phẩm chất chính trị vững vàng, có đạo đức tư cách tốt, có đủ sức khỏe và được trang bị một nền tảng kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kỹ sư CNKT điện, điện tử có khả năng thiết kế, chế tạo, vận hành, sửa chữa, nghiên cứu phát triển các hệ thống điện, điện tử; làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp có sử dụng kỹ thuật điện, điện tử; có phương pháp làm việc chuyên nghiệp, tác nghiệp độc lập và sáng tạo, có khả năng tự học và nghiên cứu, khả năng tiếp cận khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, hòa nhập môi trường làm việc quốc tế và có khả năng học tiếp lên các bậc học cao hơn.

Chương trình đào tạo được thiết kế gồm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn I (3 học kỳ đầu) học chung với các sinh viên cùng khối ngành kỹ sư. Giai đoạn II (7 học kỳ tiếp theo), chương trình được thiết kế mềm dẻo để sinh viên có thể lựa chọn đăng ký các môn học theo hướng chuyên sâu gồm kiến thức cơ sở khối ngành, kiến thức chuyên ngành và chuyên ngành hẹp của ngành đào tạo.

2. Thời gian đào tạo, văn bằng được cấp, mã ngành và môn xét tuyển

§  Thời gian đào tạo: 5 năm, chia thành 10 học kỳ. Học kỳ cuối dành cho thực tập tốt nghiệp, làm đồ án tốt nghiệp và tốt nghiệp.

§  Văn bằng được cấp:    Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử.

§  Mã ngành:                    52510301        

§  Môn xét tuyển:            Toán, Lí, Hóa Toán, Lí, Tiếng Anh

3. Hệ thống các phòng thực hành, thí nghiệm

Cùng với việc phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận quốc tế, trang thiết bị THTN cũng đã được Nhà trường đầu tư đồng bộ và hiện đại. Hiện nay, ba phòng thực hành đã được thiết kế rộng rãi, đầy đủ các thiết bị phụ trợ và một xưởng thực hành (điều hòa, máy chiếu, bảng viết…) để có thể tổ chức thực hành và tổ chức các hình thức dạy học theo hướng tiếp cận CDIO:

§  Phòng thực hành máy điện

§  Phòng thực hành cung cấp điện

§  Phòng thực hành giải tích và mô phỏng hệ thống

§  Xưởng thực tập nghề.

4. Cơ hội việc làm

Với mục tiêu đã đề ra, sau khi tốt nghiêp, kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử có thể đảm nhiệm:

§  Cán bộ kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng thiết bị tại các công ty xí nghiệp.

§  Cán bộ giám sát kỹ thuật cho các dự án lắp đặt thiết bị điện, điện tử.

§  Cán bộ nghiên cứu và phát triển các dự án ngành điện.

5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

§  Học thạc sỹ và tiến sĩ các chuyên ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử.

§  Học văn bằng thứ hai: SV ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử có thể học văn bằng hai các ngành về khoa học tự nhiên, các ngành khối kĩ thuật, công nghệ và kinh tế.

6. Khung chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử 

chuong trinh dao tao nganh cn ktddt khoa 55.doc