1. Giới thiệu chung

Khoa vật lý và Công nghệ (tiền thân là Khoa Vật lý) trường Đại học Vinh đã có trên 20 năm kinh nghiệm đào tạo Sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) chuyên ngành Quang học. Khoa là nơi đào tạo có chất lượng cao và uy tín trong cả nước về Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Quang học.  

Với truyền thống “Liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo” của tập thể cán bộ của khoa, hàng năm cán bộ khoa luôn cập nhật những nội dung và phương pháp mới trong quá trình đào tạo góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015, Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ và Nghị quyết NQ666/ĐU của Đảng ủy Trường về đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội.

Chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quang được xây dựng theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng. Điều này giúp học viên lựa chọn các hương nghiên cứu theo định hướng nghề nghiệp (giúp cho người học nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp; có năng lực làm việc độc lập, sáng tạo…) hoặc định hướng nghiên cứu (cung cấp cho người học kiến thức chuyên sâu của ngành, chuyên ngành và phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp để có thể độc lập nghiên cứu… ).  Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quang học được thiết kế gồm hai phần, trong đó phần I gồm 8 học phần ngành, học chung với học viên chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Vật lý. Phần II gồm 5 học phần chuyên ngành, chương trình được thiết kế mềm dẻo để người học có thể lựa chọn đăng ký một số học phần chuyên ngành.

Chương trình đào tạo Tiến sĩ ngoài luận án, được thiết kế gồm 2 phần: phần thứ nhất là các học phần tiến sĩ (3 học phần); phần thứ hai là các chuyên đề tiến sĩ (bao gồm một Tiểu luận tổng quan và 2 chuyên đề Tiến sĩ); chương trình được thiết kế linh hoạt để người học có thể lựa chọn đăng ký các chuyên đề phù hợp với đề tài luận án Tiến sĩ của mình.

2. Thời gian đào tạo, văn bằng được cấp, mã ngành và môn xét tuyển

2.1. Thạc sỹ

·        Thời gian đào tạo:            2 năm     

·        Văn bằng được cấp:     Thạc sỹ Vật lí

·        Mã ngành:                        60.44.01.09

·        Môn thi:                   Toán cho Vật lý, Vật lý lý thuyết,  Ngoại ngữ

2.2. Tiến sĩ

·        Thời gian đào tạo: 3 năm (với hình thức tập trung); 4 năm (với hình thức không tập trung)   

·        Văn bằng được cấp:             Tiến sĩ Vật lý

·        Mã ngành:                              62.44.01.09

3. Hệ thống các phòng thực hành, thí nghiệm

Cùng với việc phát triển chương trình đào tạo theo tiếp cận của quốc tế, trang thiết bị thí nghiệm cũng đã được Nhà trường đầu tư đồng bộ và tương thích. Hiên nay, ba phòng thí nghiệm đã được thiết kế rộng rãi và đầy đủ các thiết bị phụ trợ (điều hòa, máy chiếu, bảng viết…)

·                           Phòng thí nghiệm Vật lý tiến tiến

·                           Phòng thí nghiệm Điện - Quang

·                           Phòng thực hành dạy học vật lí.

Trong đó phòng thí nghiệm Điện – Quang và phòng thực hành dạy học vật lý được sử dụng để các học viên chuyên ngành Quang học thực hiện các nghiên cứu theo định hướng nghề nghiệp (phổ thông). Phòng thí nghiệm Vật lý tiến tiến, là phòng thí nghiệm hiện đại của khu vực Đông Nam Á để phục vụ cho các nghiên cứu chuyên sâu của cán bộ, học viên và NCS.

4. Các hướng nghiên cứu chính của chuyên ngành đã và đang triển khai

4.1 Đối với bậc Thạc sĩ

Khi thực hiện luận văn thạc sĩ, các học viên có thể lựa chọn đề tài theo hai hướng là định hướng nghề nghiệp và định hướng chuyên sâu, trong đó

Các hướng nghiên cứu theo định hướng nghề nghiệp:

·        Xây dựng các thí nghiệm hoặc các bộ thí nghiệm tích hợp liên quan đến việc giảng dạy kiến thức quang học cơ bản và nâng cao ở bậc phổ thông và bậc đại học.

·        Ứng dụng của các kiên thức quang học trong đời sống cũng như trong công nghệ và kỹ thuật.

Các hướng nghiên cứu theo định hướng chuyên sâu:

·        Các hiệu ứng liên quan đến giao thoa lượng tử.

·        Lan truyền xung trong môi trường phi tuyến.

·        Cấu trúc phổ của các nguyên tử, phân tử.

·        Kỹ thuật phổ laser phát xạ nguyên tử và ứng dụng của nó trong y học, phân tích.

·        Nghiên cứu về các sợi tinh thể quang tử và các vật liệu điện tử mới.

4.2 Đối với bậc Tiến sĩ

Đối với bậc Tiến sĩ thì nội dung của luận án phải được công bố trên tạp chí nằm trong danh mục của Thomson Reuters (một tổ chức chuyên về phân tích và thu thập dữ liệu khoa học uy tín trên thế giới). Các NCS có thể lựa chọn đề tài theo các thực nghiệm hoặc là lý thuyết.

Hướng thực nghiệm

·        Phổ của các nguyên tử/phân tử kim loại kiềm ở trạng thái khí: Xây dựng một số hệ đo phổ laser tiên tiến (phổ laser đánh dấu phân cực, phổ hấp thụ bão hòa, phổ cộng hưởng kép) để nghiên cứu cấu trúc phổ của các phân tử (xác định các hằng số phân tử và đường thế năng) và các nguyên tử (xác định độ tách siêu tinh tế, mô men lưỡng cực dịch chuyển) ở trạng thái khí.

·        Điều khiển các nguyên tử/phân tử kim loại kiềm bằng laser: Dựa trên thông tin về cấu trúc phổ thực nghiệm của nguyên tử/phân tử kim loại kiềm, chúng tôi lựa chọn các chùm laser có thông số phù hợp (bước sóng, cường độ, độ đơn sắc) để hãm chuyển động nhiệt và điều khiển các trạng thái nội làm thay đổi tính chất quang trong miền phổ cộng hưởng (điều khiển hấp thụ, tán sắc và phi tuyến Kerr ; tối ưu hóa các quá trình quang phi tuyến, nghiên cứu lưỡng ổn định quang và mô hình thiết bị quang tử tiên tiến).

Hướng lý thuyết

·        Nghiên cứu về các sợi tinh thể quang tử và các vật liệu điện tử mới. Nghiên cứu các sản phẩm cụ thể về các sợi tinh thể quang tử mới được sản xuất trong viện ITME của Ba lan thông qua phần mềm mô phỏng. Từ đó, tối ưu hóa được các PCF để từ đó sử dụng khoa học công nghệ và ứng dụng vào đời sống.

·        Nghiên cứu tính ổn định của bẫy quang học và  ảnh hưởng của các tham số động học. Nghiên cứu mô hình bẫy quang học sử dụng hai cặp chùm Gauss ngược chiều, dựa vào số liệu tính toán đối với bẫy quang học sử dụng một cặp chùm Gauss ngược chiều để tính cường độ tổng của hai cặp chùm Gauss ngược chiều. 

·        Lan truyền xung trong môi trường phi tuyến, soliton quang học và tính chất ổn định của nó.

5. Khung chương trình đào tao

Bậc thạc sĩ:  khung ctthsquang hoc.doc

Bậc Tiến sĩ:  khung cttsquang hoc.doc