1. Hội nhập quốc tế về giáo dục –xu thế tất yếu hiện nay

Hội nhập quốc tế là một xu thế khách quan, diễn ra dưới nhiều hình thức và trên nhiều lĩnh vực khác nhau, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực đời sống của từng quốc gia. Thực tiễn cho thấy, không một quốc gia nào có thể “đứng một mình” trên con đường phát triển. Ngày nay, hội nhập quốc tế được xem như là phương tiện để các quốc gia phát triển chính mình và góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng trong một “thế giới phẳng”. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” nhằm khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm sắp tới.

“Thế giới phẳng” ngày nay sẽ làm “phẳng hoá” các mặt trong đó có giáo dục, tạo ra một sân chơi giáo dục “bằng phẳng”, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Lịch sử toàn cầu hóa về giáo dục đã cho thấy giai đoạn đầu tiên là hợp tác quốc tế về giáo dục đã diễn ra trong thập niên cuối của thế kỷ XX. Sang đến thập niên đầu của thế kỷ XXI, giáo dục đã chuyển sang giai đoạn quốc tế hóa, với sự phát triển mới, cao hơn và phức tạp hơn. Quốc tế hóa giáo dục sẽ làm cho nền giáo dục yếu kém mất lợi thế cạnh tranh. Để quan điểm “giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam” của Đảng trở thành hiện thực trong thời đại quốc tế hóa, Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã xem hội nhập quốc tế là một trong 09 nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng, giáo dục Đại học Việt Nam tất yếu sẽ chịu ảnh hưởng ngày càng tăng của giáo dục quốc tế. Làn sóng toàn cầu hoá mang lại cho giáo dục đại học Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những khó khăn và thách thức như sau:

Về cơ hội: Thứ nhất, sau gần 30 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo của đất nước, đưa Việt Nam từ một nước nghèo kém phát triển trở thành nước có thu nhập trung bình. Thứ hai, Việt Nam đang chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế với với môi trường chính trị ổn định và mức sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện. Thứ ba, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm nền tảng cho sự phát triển kinh tế tri thức, làm thay đổi nội dung, phương pháp giáo dục trong các trường đại học, đồng thời đòi hỏi giáo dục phải cung cấp được nguồn nhân lực có trình độ cao cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Về khó khăn và thách thức: Thứ nhất, tư duy hội nhập ở chính những con người đang làm giáo dục còn chậm thay đổi so với tốc độ toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là ý thức “ngại thay đổi, ngại thêm việc”. Thứ hai, chúng ta có định hướng về hội nhập quốc tế với mục tiêu rõ ràng, nhưng chưa có lộ trình chi tiết mang tính ràng buộc. Thứ ba, đội ngũ quản lý giáo dục và đội ngũ giảng viên sử dụng thành thạo  một ngoại ngữ  chưa nhiều. Thứ tư, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ có thể làm cho khoảng cách kinh tế và tri thức giữa Việt Nam và các nước ngày càng lớn hơn, nước ta có nguy cơ bị tụt hậu xa hơn.

Là một trung tâm đào tạo có uy tín, Trường Đại học Vinh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội trong suốt 57 năm qua. Tầm nhìn là phát triển Trường Đại học Vinh trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia, có một số ngành học đạt tiêu chuẩn quốc tế, là thành viên của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN). Để hiện thực hóa được tầm nhìn đó đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ trên nhiều mặt, trong đó hợp tác quốc tế là một mặt quan trọng, cần có sự đột phá.

2. Một số nội dung về hợp tác quốc tế ở khoa Vật lý và Công nghệ gần đây

2.1. Đào tạo và bồi dưỡng nguồn lực cán bộ

            Nguồn lực cán bộ luôn được Đảng ủy khoa xem là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng đào tạo và NCKH. Vì vậy, Đảng ủy khoa đã đề ra phương châm: đào tạo và bồi dưỡng cán bộ phải đồng bộ cả về năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, khả năng nắm bắt tốt các xu thế vận động của giáo dục thế giới và khả năng tạo lập được các kết nối quốc tế. Trong công tác bồi dưỡng cán bộ, khoa đã chủ động xây dựng lộ trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, để có nhiều cơ hội cho cán bộ, ngoài việc tận dụng học bổng từ ngân sách nhà nước, khoa đã chủ động đàm phán xây dựng chương trình hợp tác quốc tế song phương, nghị định định thư hợp tác quốc tế và chương trình Erasmus Plus để phía đối tác quốc tế hỗ trợ đào tạo cán bộ, sinh viên chuyển giao công nghệ tiên tiến. Kết quả, trong 5 năm qua, đã có 25 lượt cán bộ và sinh viên đã được cử đi học tập và nghiên cứu tại các quốc gia như Hoa Kì, Ba Lan, CHLB Đức, Belarus, Hàn Quốc, Nga và Pháp; đã đón 38 lượt các nhà khoa học quốc tế đến giảng dạy, trình bày các xemina và hội thảo khoa học; đã công bố 40 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín và gần 100 báo cáo ở các hội nghị quốc tế.

Đến nay, khoa đã có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ và năng lực cần thiết để tham gia hoạt động hợp tác quốc tế về Quang học và khoa học giáo dục. Trong đó, một số cán bộ đã được mời chủ trì các phiên của hội thảo khoa học quốc tế và được mời phản biện cho một số tạp chí uy tín trong danh mục ISI.

 

Hội thảo quốc tế về nguyên tử lạnh và phổ học laser được tổ chức tại Trường Đại học Vinh năm 2009 với hơn 50 nhà khoa học quốc tế tham dự (trong đó có GS Kolwas - chủ tịch Hội Vật lí Châu Âu).

2.2. Đổi mới chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo

Cùng với nguồn lực cán bộ, chương trình đào tạo là nội dung cốt lõi đối với sự phát triển của một trường đại học, là tiêu chuẩn quan trọng để được công nhận trong khu vực và quốc tế. Dưới sự định hướng chung của Đảng ủy và Ban giám hiệu Nhà trường, Đảng ủy khoa đã định hướng đổi mới chương trình đào tạo theo phương châm: hiện đại, linh hoạt, hướng tới chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế xã hội và thiết thực với người học. Để thực hiện điều này, ngoài việc khảo sát thực tế thì khoa đã chủ động kết nối qua các chương trình hợp tác quốc tế với Ba Lan và Hoa Kì để mời các chuyên gia sang tư vấn trong xây dựng chương trình và tổ chức hoạt động dạy học. Kết quả, đối với chương trình đào tạo cử nhân Sư phạm Vật lý từ khóa đã được xây dựng theo hướng phát triển năng lực người học, trong đó có các học phần chủ chốt được giảng dạy bằng song ngữ Việt-Anh. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo theo các tiêu chí của AUN QA.

Đối với đào tạo SĐH, chương trình được điều chỉnh đồng thời theo hai hướng: tăng tính ứng dụng để phù hợp với nhu cầu thực tiễn người học và cập nhật có chọn lọc những kiến thức mới (liên quan đến các giải thưởng Nobel trong vòng 15 năm trở lại đây). Để bước đầu vận hành chương trình này một cách có hiệu quả, khoa đã chủ động mời các nhà khoa học quốc tế tới trình bày các bài giảng và xemina học thuật cho cán bộ và học viên. Đến nay, các kiến thức mới này đều được các cán bộ của khoa lĩnh hội và đảm nhận theo kế hoạch đào tạo của Nhà trường. Do tiếp cận được những nghiên cứu mới nên nhiều NCS của khoa đã có các kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế bằng tiếng Anh. Phát huy những thành công đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khoa (Nhiệm kỳ 2015-2020) đã đề ra biện pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo là: từ năm 2015, các luận án TS của cả hai chuyên ngành đào tạo SĐH phải có kết quả được công bố trên tạp chí quốc tế bằng tiếng Anh, trong đó chuyên ngành Quang học phải có công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI.

  

PGS.TS. Đinh Xuân Khoa (Phó hiệu trưởng) và GS Kolwas (Chủ tịch Hội Vật lý Châu Âu) chụp ảnh lưu niệm trong chuyến thăm và làm việc tại Ba Lan năm 2009 về chương trình hợp tác trong NCKH.

2.3. Xây dựng các hướng nghiên cứu

Với phương châm lấy chất lượng nghiên cứu khoa học làm đòn bẩy để nâng cao chất lượng đào tạo, trong các thời kỳ phát triển, tập thể cán bộ của khoa đã không ngừng nỗ lực học tập để nắm bắt những tiến bộ của Vật lý học. Ở đây, các hướng nghiên nghiên cứu luôn được khoa định hướng theo một phương châm nhất quán: không dàn trải mà chỉ ưu tiên các hướng nghiên cứu phù hợp nguồn lực của Nhà trường và phục vụ thiết thực cho nâng cao chất lượng đào tạo, tiến tới những chuẩn mực quốc tế.

 

PGS.TS. Nguyễn Huy Bằng (Trưởng khoa) trình bày báo cáo tại phiên toàn thể của “Hội thảo quốc tế lần thứ IV về khoa học tự nhiên cho các nhà khoa học trẻ, học viên cao học và nghiên cứu sinh của các nước ASEAN” được tổ chức tại Trường đại học Công nghệ King Mongkut, Bangkok, Thái Lan, tháng 12/2015.

Đến nay, khoa có hai nhóm nghiên cứu về Quang học và LL&PPDHBM Vật lý đang triển khai các hướng nghiên cứu mới được các nhà khoa học quan tâm. Nhiều đề tài cấp Bộ và Nghị định thư hợp tác quốc tế đã được xây dựng để giải quyết các vấn đề lớn về KHCN, làm tăng vị thế của khoa và Nhà trường ra cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, dưới sự chủ trì của GS.TS Đinh Xuân Khoa, chương trình “Hợp tác quốc tế song phương về ứng dụng của các kỹ thuật phổ laser” giai đoạn 2011-2020 được xây dựng và đang góp phần thúc đẩy các hướng nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực Quang học, xây dựng Phòng thí nghiệm Vật lí tiến tiến vào loại tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Nhờ đó, nhóm Quang học hiện nay đã triển khai các nghiên cứu một cách đồng bộ cả lý thuyết và thực nghiệm với độ chính xác rất cao.

Kìm quang học (Optical tweetzers) vừa được xây dựng tại phòng thí nghiệm Vật lý tiên tiến thông qua Nghị định thư hợp tác quốc tế với Hoa Kì (2012-2014).

Đầu năm 2014, đoàn công tác dưới sự phối hợp của Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam do Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu dẫn đầu đã đến khảo sát các nguồn lực của Nhà trường. Đoàn đã đánh giá rất cao về năng lực tổ chức hoạt động NCKH, nguồn lực cán bộ và chất lượng đào tạo tiến sỹ ở chuyên ngành Quang học trong thời gian gần đây. Từ đó, đoàn công tác đã đề nghị cho mở một chi nhánh của Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Vật lý của Việt Nam đặt tại Trường Đại học Vinh với tên gọi “Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về Quang học lượng tử theo “Chương trình phát triển Vật lý đến 2020” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 24/3/2015. Mục tiêu của thành lập Trung tâm nghiên cứu xuất sắc là đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, đào tạo trình độ tiến sỹ và thực tập sau tiến sỹ về Quang học ở trong cả nước và khu vực ASEAN, tiến tới cho cả cộng đồng quốc tế dưới sự bảo trợ của UNESCO