Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam phối hợp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức cuộc thi  tìm hiểu “Thiên văn, bầu trời và vũ trụ trong tầm nhìn của chúng ta”.
Mục đích:
- Hưởng ứng năm Quốc tế về Thiên văn (IYA 2009 - International year of Astronomy 2009).
- Khơi dậy trong thế hệ trẻ và đông đảo quần chúng niềm say mê tìm hiểu  bầu trời, khám phá vũ trụ, trong đó có  Trái Đất, ngôi nhà chung của chúng ta.
- Góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức đúng về vũ trụ quan khoa học biện chứng, chống mê tín dị đoan…
Đối tượng: Học sinh phổ thông, sinh viên, giáo viên và tất cả những ai yêu thích thiên văn, nhất là sinh viên các Khoa Vật lý của các trường Đại học Sư phạm trong cả nước.
Hình thức tổ chức: Gồm hai hình thức độc lập
1. Trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi quan trắc thiên văn đơn giản qua mạng Internet và gửi bài thi tới email của Ban tổ chức.
2. Tổ chức các hoạt động giao lưu:
- Thi sân khấu hóa tại trường ĐHSPHN,
- Giao lưu với những nhà nghiên cứu về Thiên văn…
- Tham quan phòng Thiên văn và quan sát vũ trụ thông qua kính Thiên văn lớn nhất Đông Nam Á.
Thời gian:
Nội dung 1:Thi qua mạng
           Gửi bài thi đến Ban tổ chức trước ngày 3 / 5/ 2009
Công bố kết quả và trao giải: ngày 10 tháng 5 năm 2009
Nội dung 2: Giao lưu, quan sát thiên văn
Các đội đăng kí tham gia phải có bài thi tham dự nội dung 1 và có đăng kí dự thi theo mẫu kèm theo trước ngày 6 / 5 / 2009.
Ban tổ chức sẽ chọn đội tham gia phần thi sân khấu hóa ngay trước buổi giao lưu ngày 10 tháng 5 năm 2009 tại ĐHSPHN.
Giải thưởng:
Cho phần thi qua mạng
Gồm:   01 giải nhất: 500. 000đ + Tài liệu Thiên văn
01 giải nhì:   300. 000đ + Tài liệu Thiên văn
01 giải ba:    200. 000đ + Tài liệu Thiên văn
03  giải khuyến khích: Sách Thiên văn 
Cho phần thi sân khấu hóa:
01 giải nhất: 500. 000đ + Tài liệu Thiên văn
01 giải nhì: 300. 000đ + Tài liệu Thiên văn
01 giải ba: 200. 000đ + Tài liệu Thiên văn
                        03  giải khuyến khích: Sách Thiên văn 
Hình thức nộp bài: Bài thi, phiếu đăng kí gửi về Ban tổ chức  trước ngày 6 tháng 5 năm 2009 theo địa chỉ email: vsoa@hnue.edu.vn hoặc theo địa chỉ:
Khoa Vật lí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 136 Xuân Thủy,                   Cầu Giấy, Hà Nội (Bên ngoài phong bì xin đề bài dự thi Thiên văn).
Mọi thông tin của cuộc thi được cập nhật trên website: http://vatly.hnue.edu.vn
Tài liệu tham khảo;
1.      Giáo trình thiên văn; Phạm Viết Trinh, Nguyễn Đình Noãn; NXBGD 2006.
2.      Giáo trình vật lí thiên văn; Nguyễn Đình Noãn (chủ biên ), NXBGD 2008.
3.      Từ điển bách khoa thiên văn học; Phạm Viết Trinh (chủ biên ); NXBKHKT 1999.
4.      Vật lí trung học phổ thông lớp 10 và 12, NXBGD 2008.
5.      Bài tập Vật lí thiên văn; Phạm Viết Trinh (chủ biên ); NXNGD Tái bản 1/2009.
6.      Thiên văn phổ thông; số 5 &6 /2001.
7.      Những con đường đến các vì sao NXBKHKT;2001.
 
NỘI DUNG CUỘC THI
A. Phần quan sát, đo dạc
Dùng tấm bìa hoặc gỗ dán phẳng, kích thước (a*b). Khoan một lỗ tròn nhỏ chính giữa tấm phẳng. Gần trưa của một ngày đẹp trời, dùng tấm đó hứng ảnh Mặt Trời được tạo ra trên mặt đất song song với tấm phẳng.
a) Hãy cho biết sự thay đổi độ sáng, kích thước của ảnh khi ta tăng hoặc giảm khoảng cách giữa mặt đất và tấm phẳng?
b) Nếu cho biết khoảng cách trung bình từ Mặt Trời đến ta là 150 000 000 km (1 đơn vị thiên văn). Hãy đề xuất cách đo đường kính trung bình của Mặt Trời?
c) Ghi lại kết quả các lần đo và đề xuất dụng cụ cải tiến để đo được chính xác hơn.
Chú ý:
* Khi thực hành nhớ đội mũ cẩn thận và không nhìn trực tiếp lâu vào vào Mặt Trời, tránh hỏng mắt
            * Có thể thay việc làm này bằng quan sát Mặt Trăng vào khoảng 22h00 giữa tháng âm lịch (dịp trăng tròn), trong trường hợp này dùng khoảng cách trung bình từ Mặt Trăng đến Trái Đất  là 384.000 km. Hãy đề xuất cách đo đường kính Mặt Trăng?
B. Phần trắc nghiệm
Chọn phương án trả lời chính xác
1. Trăng đầu tháng âm lịch có phần sáng hướng về:
A. Chân trời hướng Tây           B. Chân trời hướng Bắc                                   C. Chân trời hướng Nam           D. Chân trời hướng Đông.
2. Ban ngày đứng ở mặt đất ta không nhìn thấy các sao trên bầu trời, vì rằng:
A. Trong khoảng thời gian đó, các sao đều ở dưới mặt phẳng chân trời, chúng chưa mọc lên khỏi đường chân trời
B. Ban đêm sao mới phát sáng, ban ngày chúng đều ngủ.
C. Ban ngày nền trời quá sáng so với độ sáng của các sao trên nền trời
D. Ban đêm trời tối, mắt ta có khả năng tăng độ nhạy sáng bằng cách mở rộng con ngươi của mắt.
3. Từ điển Bách khoa Thiên văn học, do các thành viên của Hội Thiên văn Vũ trụ Việt Nam biên soạn, chứa nhiều thuật ngữ và thông tin chính xác trong lĩnh vực Thiên văn đã được nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật in ấn, phát hành vào năm nào?
A. 1993           B. 1999            C. 1995           D. 2000
4. Năm 1609 được xem là năm ra đời của Thiên văn học quan trắc nhờ kính thiên văn bởi vì đó là
A. Năm đầu tiên con người tạo ra kính thiên văn.
B. Năm đầu tiên công bố rộng rãi học thuyết nhật tâm của Copernicus.
C. Năm đó Galileo tự chế ra kính thiên văn và dùng kính thiên văn đó lên quan sát bầu trời.
D. Năm khánh thành đài thiên văn Hoàng gia Đan Mạch do Tycho Brahe đứng đầu.
5. Đặc trưng cơ bản nhất của kính thiên văn (telescope) là
A. Độ phóng đại góc G .
B. Năng suất phân ly (độ phân giải).
C. Quang lực của kính.
D. Thị trường (field of view).
E. Đường kính vật kính của kính.
6. Với hiểu biết hiện nay, khẳng định nào trong những khẳng định sau là chính xác
A. Trái Đất là trung tâm vũ trụ.
B. Thiên hà chúng ta là trung tâm vũ trụ.
C. Vũ trụ là vô tận, không hề chứa tâm nào cả.
D. Mặt Trời là trung tâm vũ trụ.
7. Nếu sắp xếp theo qui luật xa dần Trái Đất thì
A. Mặt Trăng, Kim tinh, Mặt Trời, tâm Ngân Hà, thiên hà Tiên Nữ, quaza.
B. Mặt Trăng, Mặt Trời, Kim tinh, tâm Ngân Hà, thiên hà Tiên Nữ, quaza.
C. Kim tinh, Mặt Trăng, Mặt Trời, quaza, tâm Ngân Hà, thiên hà Tiên Nữ.
D. Mặt Trăng, Kim tinh, Mặt Trời, quaza, thiên hà Tiên Nữ, tâm Ngân Hà.
8. Dùng hai quả nho làm mô hình đại diện cho Mặt Trời và ngôi sao gần Mặt Trời nhất ( Cận tinh thuộc chòm sao Bán nhân mã ở bầu trời Nam). Theo tỷ lệ đó phải đặt 2 quả nho cách nhau 1 khoảng:
A: 0,31m          B: 0,91 m         C: 9,1 m           D: 1,61 m         E: 161 m
9. Ngôi sao A hằng ngày đều mọc ở Đông, lặn ở Tây nhưng ngày hôm sau bao giờ cũng mọc và lặn sớm hơn ngày ngày  hôm trước là khoảng 4 phút. Điều đó là do:
A. Trái Đất ngày sau tự quay nhanh hơn ngày trước đó gần 4 phút
B. Trái Đất ngày sau tự quay chậm hơn ngày trước đó gần 4 phút
C. Do đồng hồ ta dùng chạy nhanh hơn lên gần 4 phút
D. Chu kỳ tự quay của Trái Đất không đổi và bằng 23h56min
10. Nguyên nhân chính làm cho Trái Đất chúng ta về mùa hè nóng hơn mùa đông là:
A. Mùa hè Trái Đất ở gần Mặt Trời hơn mùa đông.
B. Mùa hè Trái Đất ở xa Mặt Trời nhất.
C. Trục tự quay của Trái Đất đảo qua đảo lại trong quá trình nó chuyển động quanh Mặt Trời nhưng biên độ nhỏ nhất là vào mùa hè.
D. Trục tự quay Trái Đất giữ nguyên phương và góc nghiêng xác định đối với mặt phẳng hoàng đạo (mặt phẳng Trái Đất chuyển động quanh Mặt Trời)
E. Về mùa hè, Mặt Trời bức xạ nhiều hơn mùa đông.
  
Bài dự thi
Cuộc thi tìm hiểu “Thiên văn, bầu trời và vũ trụ trong tầm nhìn của chúng ta”
I.        Thông tin cá nhân
 Họ và tên:
 Địa chỉ:
Số điện thoại:
     Địa chỉ email:
     Lĩnh vực học tập, làm việc:
II. Nội dung bài thi:
Gồm phần đo đạc và trắc nghiệm
 III. Đăng kí tham dự phần thi sân khấu hóa: