Trong các ngày từ 29/11 đến 2/12/2015, Trường Đại học Vinh phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Warszawa (Nước Cộng hòa Ba Lan) tổ chức Hội nghị quốc tế "Quang học phi tuyến và vật liệu mới".
Tham dự Hội nghị có các Giáo sư, các nhà Vật lý, các nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới, đến từ các viện nghiên cứu, các đại học, các trường đại học của Việt Nam: Giáo sư Boris Malomed - đến từ khoa Công nghệ, trường đại học Tel Aviv, Nước Cộng hòa Israel; Giáo sư Marek Trippenbach - Phó Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Warszawa - Nước Cộng hòa Ba Lan; Giáo sư Wojtek J. Bock - đến từ Trường Đại học Québec - Nước Cộng hòa Canada; Giáo sư Cao Long Vân - đến từ Khoa Vật lý và Vũ trụ, Trường Đại học Tổng hợp Zielona Góra - Nước Cộng hòa Ba Lan; Giáo sư Wlodzimierz Jastrzebski - đến từ Viện Vật lý, viện hàn lâm khoa học Ba Lan; Giáo sư Ryszard Buczyński - đến từ Viện công nghệ vật liệu điện tử Warszawa - Nước Cộng hòa Ba Lan; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - Nguyên Viện trưởng Viện Vật lý, Viện trưởng Viện khoa học Vật liệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thành viên Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân Dubna, Phó tổng biên tập Tạp chí quốc tế về "Vật lý học các hạt cơ bản và hạt nhân nguyên tử". Về phía Trường Đại học Vinh có Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị cùng nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các đại học, các trường đại học trong cả nước, các thầy cô giáo, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của khoa Vật lý và Công nghệ, Trường Đại học Vinh.
Hội nghị là một hoạt động khoa học đặc biệt kỷ niệm "Năm quốc tế về ánh sáng 2015" và là năm đầu tiên triển khai thực hiện "Chương trình phát triển Vật lí Việt Nam đến năm 2020". Hội nghị được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi, giao lưu khoa học trong nước và quốc tế, giữa các vùng miền, giữa các cơ quan nghiên cứu và đào tạo; góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và đào tạo về lĩnh vực Quang học ở Việt Nam.
Hội nghị có sự tham dự và trình bày báo cáo của một số nhà khoa học đầu ngành của thế giới về lĩnh vực Quang học phi tuyến và vật liệu quang mới. Ngoài ra, Ban tổ chức còn mở lớp học ngắn hạn về quang học hiện đại cho các học viên Sau đại học và các nhà nghiên cứu trẻ bước đầu làm quen về lĩnh vực nghiên cứu hấp dẫn này (thời gian từ 03-10 tháng 12 năm 2015).
Các chủ đề chính của Hội nghị là: Lan truyền xung laser trong môi trường phi tuyến; Các loại vật liệu quang mới; Phổ học laser; Quang tử học; Quang học phi tuyến.